Tháng 3 năm ngoái, Báo An ninh Thủ đô đăng bài phóng sự “Còn đôi tay cháu vẫn cứu người”, trong đó đề cập tới một cậu bé nghèo 17 tuổi phải rời bỏ ngôi làng nhỏ bé của mình bên bờ sông Lô thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ để xuống Hà Nội kiếm sống. Cậu bé ấy thực sự là một anh hùng khi dám xả thân lao vào cứu bạn bị điện giật, để rồi sau đó chấp nhận bản thân mình vĩnh viễn trở thành tàn phế khi mất 2 tay và 1 chân...
Tôi nhận cú điện thoại của Trung tá Nguyễn Quang Vinh - cán bộ Phòng tổ chức cán bộ Công an thành phố Hà Nội với lời nhắn gấp gáp: “Ở Viện bỏng Quốc gia có một chú bé tên là Nguyễn Văn Tiến vì cứu bạn mà bị điện giật mất hoàn toàn 2 cánh tay. Hiện cậu bé ấy đang trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, gia đình lại quá nghèo. Báo chí các anh thử vào xem, nếu giúp đỡ được người ta thì hay biết mấy. Đó quả thực là hành động anh hùng…”.
Tôi lập tức phóng xe đi. Bác sỹ Vũ Trọng Tiến - Chủ nhiệm Khoa Bỏng người lớn xác nhận ngay thông tin tôi vừa nhận được bằng một cái gật đầu buồn bã: “Không chỉ mất hai cánh tay, chúng tôi vừa phải tháo thêm 1 chân của cậu bé ấy bởi vết thương quá nặng…”. Tôi bước vào căn phòng hăng hắc mùi phenol sát trùng, Tiến vẫn nằm thiêm thiếp trên giường, cạnh đó là người mẹ mắt hoe đỏ đang bó gối nhìn cậu con trai mà chỉ mới đây thôi vẫn còn lành lặn giờ đã thành tàn phế. Lòng người mẹ cồn cào thương con đứt ruột, nhưng cũng đang rối bời bởi bài toán khó giải trước mắt là kiếm đâu ra khoản tiền hàng chục triệu đồng chi phí chạy chữa. Phía ngoài cửa là cha cậu bé - ông Nguyễn Đức Ngọc cũng đang lẩn mẩn với cuốn sổ tay nhàu nát ghi chi chít tên người cùng số tiền mà ông đã vay tạm mang xuống Hà Nội chữa bệnh cho con.
Bác sỹ Vũ Trọng Tiến bảo tôi: Dù đã được bệnh viện ưu tiên rất nhiều, nhưng tổng chi phí cho Tiến hiện nay cũng đã quá con số 30 triệu đồng. Với một gia đình nghèo như cậu bé này thì lo được chừng đó cũng là một nỗ lực phi thường rồi. Đâu dám mơ gì cao hơn nữa. Gia đình chỉ hy vọng cậu bé sống được là tốt chứ chưa dám nghĩ đến những chuyện xa hơn. Vừa rồi nghe nói đến việc phải tiếp tục điều trị phục hồi chức năng và thực hiện thêm một số phẫu thuật nhỏ, bố mẹ cậu bé cứ nằng nặc đòi cho con về vì… hết tiền. Tội nghiệp thằng bé, đến chiếc xe lăn cũng chẳng mua nổi, nói gì việc lắp chân tay giả, ước gì… - bác sỹ Tiến bỏ lửng câu nói và thở dài.
Tôi đã chuyển toàn bộ lòng quả cảm của cậu bé cùng mơ ước nhỏ nhoi của vị bác sỹ tốt bụng kia lên mặt báo. Những mong, lòng tốt và sự sẻ chia của bạn đọc An ninh Thủ đô sẽ đến với người anh hùng nhỏ tuổi này.
Đại diện Báo ANTĐ đến thăm em Tiến sau 1 năm kể từ ngày bị tai nạn
Câu chuyện về cậu bé dũng cảm cứu bạn lập tức đến với cả triệu độc giả trên cả nước. Đã có hàng nghìn lượt bạn đọc, cơ quan, tổ chức xã hội… tìm đến Báo An ninh Thủ đô và Viện bỏng Quốc gia để quyên góp ủng hộ những món tiền thơm thảo giúp em chữa bệnh. Đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng gửi đến cho Tiến 1 chiếc xe lăn và lá thư khen ngợi hành động xả thân của chú bé. Rồi Tiến ra viện…
Mới đây, chúng tôi quyết định về thăm lại người anh hùng năm trước. Quá đỗi bất ngờ là chuyến đi này đúng vào dịp Tiến vừa trở về từ Hàn Quốc. Chúng tôi cũng không ngờ rằng, câu chuyện về chú bé Tiến đăng tải trên báo ngày ấy đã bay sang cả xứ sở Kim Chi và gây nên sự xúc động mạnh mẽ đối với các chuyên gia y tế nước bạn. Ngày 18-7, Sunny Korea Welfare Foundation, một tổ chức y tế từ thiện đã thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đón Tiến sang Hàn Quốc và nhận đài thọ toàn bộ chi phí giúp Tiến chữa trị lành hẳn vết thương cũng như lắp ráp cho em toàn bộ chân tay giả. Đây được xem như phần hai của giấc mơ “hãy chắp cánh cho em” mà Báo An ninh Thủ đô đã cố gắng thực hiện giúp Tiến phần 1 bằng cách kêu gọi mọi sự trợ giúp từ trong nước.
Tiến vẫn vậy, vẫn đôi mắt sáng đầy lạc quan như lần gặp chúng tôi năm trước. Em bảo: Sau gần 5 tháng ở Hàn Quốc, em phải tiếp tục thực hiện thêm một vài ca phẫu thuật nhỏ để thực hiện việc lắp chân tay giả. Hiện nay, em mới lắp được cánh tay phải và tạm thời xin về Việt Nam đón Tết. Ra Giêng, Sunny Korea Welfare Foundation sẽ tiếp tục đón em sang để thực hiện lắp nốt cánh tay trái và chiếc chân còn lại.
Trong thời gian Tiến ở Hàn Quốc, có một điều khá ngạc nhiên là không ít lưu học sinh Việt Nam hiện đang học tập tại đây cũng đã tìm tới thăm em sau khi đọc được những thông tin trên báo mạng. Phần lớn họ tỏ ra rất ngưỡng mộ và cảm phục hành động của Tiến. Thậm chí một số tình nguyện thường xuyên qua lại chăm sóc giúp Tiến trong những công việc sinh hoạt thường ngày. Bây giờ, với một cánh tay giả Tiến đã có thể tự ăn cơm và làm một số việc cá nhân khác mà không cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Cậu bé mơ ước: Sau khi lắp nốt cánh tay và chân trái, cháu sẽ về đi học lại. Mặc dù cháu bỏ dở việc này đã khá lâu, nhưng đi học sẽ không bao giờ là quá muộn, phải không chú?
Chắc chắn là như vậy, tôi cũng tin là việc đi học sẽ không bao giờ quá muộn đối với cậu bé này. Cũng chính bởi niềm tin như thế mà suốt thời gian qua, vị anh hùng trẻ tuổi của tôi đã không ngừng học hỏi ngay cả trên giường bệnh. Từ những món tiền do bạn đọc ủng hộ ngày trước, Tiến nằng nặc đòi mẹ nhờ người quen mua cho mình một chiếc máy tính xách tay. Ngày lên máy bay sang Hàn Quốc chữa bệnh, hành trang của Tiến chỉ vẻn vẹn chiếc laptop và một lô sách tự học Anh ngữ. Chú bé tâm sự: “Em tranh thủ những lúc rảnh rỗi tự học thêm tiếng Anh. Chiếc máy tính sẽ giúp em phần luyện cách phát âm qua phần mềm học ngoại ngữ”. Bây giờ thì vốn ngoại ngữ của cháu cũng kha khá rồi - chú bé cười - tuy chưa thể làm phiên dịch, nhưng ít nhất cũng đủ để giao tiếp thông thường với người nước ngoài.
Nhưng cực nhất vẫn là lúc tập viết. Với cánh tay giả mới lắp, ngày ngày cậu bé lại lăn lê bò toài trên giường để bắt đầu công cuộc luyện chữ của một chú học sinh lớp 1. Rất khó để bắt một cánh tay vô tri tuân theo sự chỉ đạo của mình - Tiến nói. Nhiều lúc cả bả vai cứng lại, chuột rút đau đến cứng người. Khi cơn đau đã qua, Tiến lại vục dậy, lại viết, lại chuột rút… và cái điệp khúc ấy cứ đều đều lặp đi lặp lại như vậy. Ông Nguyễn Đức Ngọc, cha Tiến bảo: “Thấy nó cố quá tôi cứ phải can, thôi cứ từ từ con ạ. Việc này không thể ngày một ngày hai mà quen được. Phải tập cả năm thì may ra… Nhưng nó nào có nghe…”.
Từ ngày có chiếc tay giả, Tiến gần như từ chối mọi sự trợ giúp sinh hoạt của những người xung quanh. Việc gì thấy mình làm được là cậu bé nhất định tự thân vận động. Từ việc tắm giặt, mặc quần áo, cơm nước cho đến đi lại. “Mình phải tập thế cho nó quen đi, nhà cháu nhiều việc, không lẽ bắt bố mẹ phải bỏ đấy để phục vụ riêng mình. Nếu những việc đơn giản thế mà cũng bó tay thì sau này khó có thể mà làm được những việc khác chú ạ. Người có đủ chân tay thì làm nhanh, cháu không có thì làm chậm, nhưng chậm mấy rồi thì cũng sẽ xong, miễn là không có tư tưởng ỷ lại và bản thân cố gắng thì mọi việc sẽ thành” - cậu bé nói.
Quả thật, dù cố tưởng tượng, tôi cũng khó hình dung một người bị mất hai cánh tay và một chân nếu thiếu sự trợ giúp thì sẽ xoay xở thế nào. Có lẽ chỉ có nghị lực và sự quyết tâm vượt khó mới giúp người ta vượt qua mọi khó khăn.